NGHỆ SĨ ĐƯỜNG PHỐ

19493_382662365265003_330367259505760519_n.jpg

Với văn hoá phương Đông nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng, việc một người xa lạ biểu diễn một tiết mục ở nơi công cộng có lẽ sẽ làm phần lớn các bạn tò mò, tự hỏi bản thân và bàn tán xôn xao rằng họ là ai, họ làm vậy với mục đích gì hay thậm chí những lời bình luận tệ hơn như họ chỉ cố tình gây sự chú ý, đánh bóng tên tuổi, vân vân… Tuy nhiên với văn hoá phương Tây nói chung và văn hoá Anh Quốc nói riêng, đây là một việc rất bình thường và nó diễn ra như một thứ ẩm thực quen thuộc với mọi tầng lớp xã hội.

Nghệ sĩ đường phố bao gồm nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất là các hoạt động như biểu diễn xiếc, ảo thuật, chơi nhạc cụ, hát, nhảy múa. Tôi đặc biệt thích hơn cả là những ca sĩ đường phố. Địa điểm họ thường chọn biểu diễn là những nơi có đông người qua lại để có nhiều sự chú ý. Bạn sẽ thường xuyên thấy những học sinh, sinh viên thậm chí cả người lớn tuổi với dụng cụ là một bộ loa, cây đàn Guitar và micro thả hồn vào những bài hát rất hay dưới trạm tàu điện ngầm, trong công viên hay những quảng trường lớn tại London như Leicester Square, Trafalgar Square và Covent Garden.

Tôi rất ngưỡng mộ những ca sĩ đường phố, một phần vì tôi thích nghe nhạc, một phần vì những khi họ biểu diễn, tôi có thể cảm thấy họ làm vậy không chỉ để quảng bá sản phẩm âm nhạc của mình, mà cái quan trọng nhất, họ làm cho thoả mãn bản thân, không ngại lời ra tiếng vào của dư luận. Làm gì thì làm, phải thoả mãn được chính mình đầu tiên, rồi khi đó truyền sự thoả mãn ấy cũng như bất kỳ giá trị cuộc sống nào khác, cho những người xung quanh. Những người nghệ sĩ đường phố nói chung và ca sĩ đường phố nói riêng, phần lớn họ thường biểu diễn vì sự đam mê hoặc đơn giản chỉ là sở thích cá nhân mỗi khi rảnh rỗi của họ. Tôi quen một cậu bạn vài năm trước còn học ở London, cậu ta rất giỏi Guitar và mỗi cuối tuần cậu ta thường đi biểu diễn dưới trạm tàu điện ngầm, khi tôi hỏi tại sao cậu ta quyết định làm thế thì tôi nhận được một cái mỉm cười và câu nói “Vì tôi thích mang niềm vui đến cho mọi người ông ạ!”

Mặt khác, ở Anh Quốc, việc khán giả thấy họ biểu diễn hay, liền “bo" cho những người nghệ sĩ đường phố đấy vài đồng Bảng Anh cũng là điều không hiếm gặp. Với văn hoá người Âu thì việc nhận được phần thưởng sau một việc làm tốt là thứ họ được bố mẹ và thầy cô dạy từ khi họ còn rất trẻ, vì thế có những học sinh và sinh viên thường dùng sở thích đấy để kiếm ít tiền tiêu vặt, tương tự đối với những người thất nghiệp phải tạm thời kiếm tiền mưu sinh. Hãy tưởng tượng họ biểu diễn ở quảng trường có 100 khán giả, mỗi người “bo" cho họ 0.5 Bảng Anh thì kết thúc buổi biểu diễn họ sẽ có 50 Bảng Anh, một tuần như thế họ sẽ kiếm được 350 Bảng Anh, một con số không nhỏ. Đây hoàn toàn không phải việc làm trái luật hay đi ngược đạo đức, vì họ đã cống hiến tài năng của họ qua những giây phút giải trí cho mọi người, họ mang sản phẩm/ dịch vụ của họ đến cho xã hội và xã hội hưởng thụ nó, họ có quyền nhận được phần thưởng với công sức đã bỏ ra.

Tôi rất thích đi đến những nơi như thế vào mỗi cuối tuần, ở đấy tôi có thể hoà mình vào đám đông, cầm một chai Cyder trên tay và hưởng thụ những bài hát hay từ những người nghệ sĩ đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ này.

Dưới đây là video clip tôi đã trực tiếp quay lại khi người đàn ông - theo tôi được biết tên là Rob Falsini - với giọng hát rất ngọt ngào, biểu diễn bài hát Chasing Cars của nhóm Snow Patrol, vào một buổi chiều đẹp trời khi tôi cùng 2 người bạn thân dạo chơi tại Covent Garden.

 

Enjoy.

----

TV

MR BLANCComment